Từ ngày 1/8, người dùng Zalo không trả phí sẽ bị giới hạn tối đa 1.000 bạn bè, chỉ có thể trả lời tin nhắn từ 40 người lạ mỗi tháng.
Chính sách mới được Zalo công bố từ cuối tháng 6 và bắt đầu áp dụng từ hôm nay. Theo thông tin trên website của nền tảng này, có sáu thay đổi chính được áp dụng với "tài khoản mặc định" của người dùng.
Cụ thể, người lạ không thể xem hoặc bình luận trên nhật ký; mỗi tài khoản có 40 lần hiển thị/tháng khi người lạ tìm kiếm qua số điện thoại và được phản hồi 40 hội thoại từ người lạ mỗi tháng; danh bạ có tối đa 1.000 liên hệ; tài khoản thường sẽ không còn sử dụng được username; và mỗi tài khoản được mặc định có năm mẫu tin nhắn nhanh.
Trước đây, danh sách bạn bè của người dùng Zalo có thể đạt 2.000-3.000, trong khi việc được tìm kiếm qua số điện thoại hay trả lời tin nhắn người lạ không gặp hạn chế nào. Trong khi đó, với chính sách mới, người dùng không thể thêm bạn mới nếu vượt 1.000 liên hệ và cũng không thể trả lời tin nhắn từ người lạ nếu vượt quá mốc 40.
Nếu muốn mở rộng, người dùng chỉ có lựa chọn trả tiền. Mới đây, nền tảng này cung cấp ba gói tài khoản trả phí. Với gói Standard 2.800 đồng/ngày, tức 84 nghìn đồng/tháng, người dùng được cung cấp 60 lượt trả lời tin nhắn người lạ mỗi tháng và 1.500 liên hệ trong danh bạ. Nếu chấp nhận bỏ ra 55.000 đồng mỗi ngày, hay 1,65 triệu đồng mỗi tháng cho gói Elite, các giới hạn này được nâng lên 2.000 lượt và 5.000 liên hệ. Theo thông báo trên website, hai gói trên hiện chưa ra mắt. Lựa chọn duy nhất hiện tại là gói Pro với 5.500 đồng/ngày cho 120 lượt phản hồi chat với người lạ mỗi tháng và 3.000 người trong danh bạ.
Trong thông báo chính sách mới, Zalo khẳng định các giới hạn với tài khoản mặc định nhằm "giúp người dùng quản lý quyền riêng tư tốt hơn". Tuy nhiên, nhiều người cho biết đây có thể là cách để nền tảng hướng người dùng sang các thuê bao trả phí.
"Vì khách hàng không kết bạn được, nên chúng tôi và khách đều gặp khó khăn khi cần hỗ trợ. Ngoài ra, khách hàng mới sẽ không thể tiếp cận được các bài đăng", Nguyễn Hạnh, một người kinh doanh đồ ăn online, nói.
Hạnh cho biết cô có thể chi số tiền vài trăm nghìn đồng mỗi tháng nếu nền tảng giúp mình làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, việc đặt ra giới hạn khiến người kinh doanh online lo lắng vì quá trình hoạt động có thể bị gián đoạn. "Thử hình dung, nếu khách hàng lạ nhắn tin đến mà chúng tôi hết lượt phản hồi thì sẽ ra sao", cô đặt câu hỏi và cho biết sẽ mở rộng hoạt động ra các nền tảng khác để giảm phụ thuộc vào Zalo.
Ông Tuấn Hà, Chủ tịch Vinalink, đánh giá chủ trương thu phí của Zalo là có thể hiểu được. "Do có lượng người dùng hiện tại lớn, họ thu phí thì sẽ vẫn có những người chấp nhận sử dụng", ông nói. Tuy nhiên, theo ông, cách "bóp tính năng" của Zalo có nhiều điểm khiến người dùng cảm thấy không hài lòng.
Ví dụ, với gói thuê bao thấp nhất, người dùng phải chi khoảng một triệu đồng mỗi năm, nhưng không thêm được tính năng gì đặc biệt, trong khi một nhu cầu quan trọng là lưu danh bạ lại bị cắt còn một nửa so với trước đây. Nếu muốn sử dụng như trước ngày 1/8, người dùng sẽ phải mua gói Pro giá khoảng hai triệu đồng mỗi năm. "Nhiều người sẽ nghĩ đây là chuyện vô lý, không phải ai cũng sẽ chấp nhận số tiền này", ông Tuấn đánh giá.
Zalo thu phí ngược
Một số khác biệt của tài khoản Zalo miễn phí và tài khoản trả phí. Ảnh: Zalo
Tại Việt Nam, các ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất hiện là Zalo, Messenger, Viber, Telegram và Skype. Hầu hết dịch vụ nhắn tin quốc tế áp dụng chính sách miễn phí cho những tính năng cơ bản. Người dùng có thể trả tiền để mua thêm các tiện ích mới, chứ không bị cắt giảm tính năng có sẵn.
Ví dụ, Telegram giới thiệu tính năng Premium vào tháng 6 với giá 4,9 USD mỗi tháng, cho phép người dùng có thể gửi các tệp có dung lượng lên tới 4 GB và hỗ trợ tải xuống nhanh hơn. Tài khoản được nâng cấp cũng có thể theo dõi tối đa 1.000 kênh, tạo tối đa 20 thư mục trò chuyện với 200 cuộc trò chuyện mỗi kênh.
Trong thông báo gửi người dùng, Telegram cam kết mọi tính năng đang có của ứng dụng vẫn được miễn phí cho tất cả. Việc trả phí Premium được xem như cách để cộng đồng ủng hộ nhà phát triển.
Hai nền tảng phổ biến khác là Viber và Skype cũng không thu phí người dùng phổ thông, không quảng cáo trong ứng dụng. Ngoài chức năng cơ bản là nhắn tin, gọi điện miễn phí thông qua Internet, hai dịch vụ này triển khai thêm gói dịch vụ Viber Out và Skype Out.
Viber Out và Skype Out cho phép thực hiện các cuộc gọi trong và ngoài nước đến bất kỳ số điện thoại nào, không cần biết địa chỉ đó có đang dùng ứng dụng hay không. Người dùng cần nạp tiền mua gói cước theo số phút gọi. Ngoài ra, các nền tảng này còn bán những bộ sticker đặc biệt.
Một nền tảng nhắn tin phổ biến không kém Zalo tại Việt Nam là Messenger của Meta chưa có hoạt động tính phí.
Trong khi đó, ứng dụng nhắn tin phổ biến của Việt Nam lại kiếm tiền bằng cách ngược lại. Sau khi cung cấp cho người dùng một công cụ nhắn tin miễn phí, giờ họ lại thông báo tới những người đang có trên 1.000 bạn bè rằng "tính năng này chỉ dành cho tài khoản Business".
Theo ông Tuấn Hà, Zalo nên áp dụng chính sách tính phí để khắc phục một số vấn đề hiện tại của ứng dụng, thay vì "bóp tính năng". "Tài khoản miễn phí nên được giữ nguyên như cũ. Còn Zalo có thể cung cấp tùy chọn trả phí để lưu dữ liệu vĩnh viễn chẳng hạn. Nhiều người từng mất các đoạn chat, dữ liệu gửi qua Zalo nếu đổi máy. Do đó, họ sẽ khó chấp nhận nếu tình trạng này xảy ra ngay cả khi đã chi tiền", ông Tuấn nói.
Theo The Verge, phần lớn nền tảng OTT thu phí người dùng khi họ đạt đến một lượng người dùng đủ lớn. Tuy nhiên, những tiện ích được cho là "đặc biệt" để tính phí thực chất lại chủ yếu được phát triển từ tính năng có sẵn từ nền tảng, chứ không thật sự tạo được khác biệt.
Nguồn: VNExpress. net